Nhận biết nốt ruồi ung thư da
Theo các chuyên gia, những nốt ruồi ở các vị trí thường xuyên bị cọ xát như ở lưng quần; vùng râu, tóc; lòng bàn chân, gót chân... cần được xử lý sớm để tránh nguy cơ chuyển thành bệnh lý ác tính - ung thư hắc tố.
Về bản chất, nốt ruồi chính là những khối u hắc tố, do sự loạn sản lành tính và khu trú của sắc tố melanine. Đôi khi, nốt ruồi gặp những yếu tố kích thích kéo dài như cọ xát, phơi nắng... sẽ xảy ra những biến đổi ác tính và hình thành ung thư hắc tố. Khoảng 1/3 trường hợp ung thư hắc tố từ các nốt ruồi có sẵn.
Tính đối xứng: Khi nốt ruồi hoặc tàn nhang có hình dạng không đối xứng bất bình thường thì nên kiểm tra lại bằng cách vẽ một đường tưởng tượng chia dọc nốt đó ra và đối chiều xem nửa còn lại có tương đồng. Nếu không đối xứng thì đó rất có thể là ung thư.
Đường viền: Nếu như đường viền ngoài của nốt ruồi bị mờ, không thấy rõ nét đường biên giữa da và nốt ruồi, trông khác thường với các nốt ruồi khác thì đó cũng có thể là ung thư. Các thương tổn của khối u ác tính thường là nguyên nhân làm mờ các đường biên của nốt ruồi lạ trên da.
Màu sắc: Nốt ruồi không có màu giống với những nốt ruồi khác trên da, dù là bất kể màu sắc gì: nâu, đen, xanh đậm, trắng hay đỏ đều đáng nghi ngờ. Nốt ruồi bình thường sẽ có một màu sắc nhất định, tương tự và đồng đều nhau trên da. Nhưng nếu trên da có nhiều nốt ruồi khác màu, khác hình dạng, khác màu: chỗ màu đậm, chỗ màu nhạt thì nguy cơ ung thư da rất cao.
Đường kính: Một điểm đáng ngờ khi quan sát các nốt lạ trên da là đường kính của chúng lớn hơn hẳn các nốt ruồi thông thường. Nốt ruồi thường chỉ nhỏ hơn hoặc bằng khoảng 6 mm.
Độ lồi: Nếu nốt lạ nổi lồi trên da rõ nét thì việc kiểm tra là cần thiết. Bởi các khối u ác tính thường phát triển nhanh chóng về kích cỡ hoặc độ lớn. Một nốt ruồi cứ lớn dần, đổi màu, gây ngứa ngáy, khó chịu hoặc chảy máu thực sự là dấu hiệu đáng báo động.
0 comments